Địa điểm
  • Đang online : 3
  • Lượt truy cập : 382619

HUYỀN THOẠI NGŨ HÀNH SƠN

Một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến khám phá Hành trình di sản miền Trung chính là quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng - Hội An, Ngũ Hành Sơn là cụm núi đá vôi nằm rải rác trên diện tích khoảng 2km² được vua Minh Mạng đặt tên theo thuyết Ngũ hành gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong.

 

Ở nơi đây vẫn còn lưu lại những dấu tích cho thấy trước khi người Việt đến đây, người Chăm đã thờ cúng các vị thần của họ trong các hang động, đền miếu trên các hòn núi này. Người Việt đến mang theo đạo Phật, lập thêm chùa chiền, am thất làm tôn thêm tính chất uy nghiêm của một thắng cảnh mà không bài trừ nhau. Nơi đây, các dấu ấn văn hoá - lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chăm của thế kỷ XIV, XV. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động.
Trong quần thể danh thắng, những thảm thực vật và cây xanh bóng mát được xen lẫn vào nhau che phủ khắp các bậc thang lên núi; rực rỡ nhất là những hàng phượng vĩ và hoa sứ trắng. Mùa hè, phượng đỏ rợp cả đường đi, cùng với hoa sứ trắng thơm ngát mùi hương dịu nhẹ trên các bậc cấp rêu phong đầy những cây xanh cổ thụ trên các triền núi khiến Ngũ Hành Sơn thanh khiết đến vô cùng.
Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và có phong cảnh đẹp nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Trong chuyến tuần du năm 1825, vua Minh Mạng đã đi thăm khắp danh thắng, đặt tên các hòn núi, các hang động, cho khắc chữ lên vách đá và cho xây dựng hai con đường bậc cấp đi lên núi. Đó là lối đi lên gồm 156 bậc đá dẫn đến chùa Tam Thai và lối khác dài 108 bậc dẫn đến chùa Linh Ứng. Lên đến một độ cao nhất định quay đầu nhìn ra xa, trước mắt du khách hiện ra một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp với một bên là những ngọn núi xanh lơ và một bên là bờ biển với bãi cát trắng trải dài dưới nền trời xanh thẳm.
Linh Ứng và Tam Thai là hai ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời Hậu Lê cách đây ít nhất 300 năm, có giá trị lịch sử cao, được xem là quốc tự và di tích Phật Giáo. Đến đây, du khách có thể cảm nhận sự thay đổi khác biệt về khí hậu. Những luồng gió mát thổi nhẹ làm tinh thần chúng ta trở nên sảng khoái, bỏ lại đằng sau bao mệt mỏi, quên hết nhọc nhằn. Trước mắt du khách không còn cảnh người, xe chen chúc, quán xá ồn ào… Tất cả mọi sự nhốn nháo của đời thường dường như khép lại, nhường chỗ cho cảnh trí thiêng liêng cổ kính của thế giới bồng lai tiên cảnh.

 

Thủy Sơn còn là nơi tập trung nhiều hang động trong đó hai hang động đẹp và quy mô nhất là động Huyền Không và động Âm Phủ. Động Huyền Không là một động lộ thiên, vòm hình tròn, nền bằng phẳng, trên vòm có 5 lỗ thông ra bên ngoài, ánh sáng tràn vào đây tạo một không khí huyền bí lung linh cho hang động. Đây cũng là một trong những động đẹp và có giá trị tâm linh to lớn. Vào những ngày nắng đẹp, vào động Huyền Không ta sẽ nhìn thấy những tia nắng của buổi ban mai len lỏi qua kẽ đá, đến trưa những tia nắng rọi xuống từ trần động hòa quyện với khói hương tạo ra một không gian mờ ảo, mơ hồ tựa chốn bồng lai tiên cảnh, chỉ nhìn thôi đã thấy linh thiêng hiển thị.

 

Động Âm Phủ được xem là một trong những hang động lớn và huyền bí nhất trong quần thể hang động ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Khung cảnh tại đây tái hiện thế giới Âm Phủ với những tượng đá cẩm thạch vô cùng sinh động. Trước cửa động là chiếc cầu Âm Dương được đặt ở đây hàng trăm năm trước. Trong động Âm Phủ được chia làm hai ngách, ngách lên trời và ngách xuống âm phủ. Ngách xuống cõi âm có tổng cộng 12 cửa ngục, mỗi cửa là một vị quan cai quản. Men theo lối đi nhỏ hẹp là tiếng gió thổi âm u trong lòng động sâu hun hút. Trong lòng động xuất hiện các khung cảnh tái hiện truyền thuyết về âm phủ với những hình phạt khủng khiếp dành cho những người mang tội bị đày xuống cõi âm. Khác với đường xuống địa ngục, lối lên Thiên Đường là những bậc thang được phủ sáng tự nhiên với vách tường khắc họa sinh động hình ảnh thần tiên tụ hội trên thiên cung. Khu vực "đỉnh trời" hướng nhìn ra biển. Bên dưới là làng mỹ nghệ Non Nước và khung cảnh rất nên thơ. Đến đây du khách sẽ cảm nhận về những điều Thiện – Ác, thấy được luật Nhân – Quả để từ đó sống tốt hơn, thiện hơn.


 

Tại Thủy Sơn còn có 2 tấm bia bằng đá Trà Kiệu được xây dựng ở hai hướng. Một bia được khắc ba chữ Hán “Vọng Giang Đài”. Từ đây, du khách có thể buông tầm mắt nhìn bao quát cả một vùng đồng ruộng bao la bát ngát, với những con sông Cổ Cò, sông Hàn, sông Cẩm Lệ quanh co tựa như một bức tranh thủy mặc sống động. Bia còn lại được khắc “Vọng Hải Đài” quay về hướng biển nơi du khách có thể phóng tầm mắt ra một vùng trời biển bao la với các hoạt động nhộn nhịp của ghe thuyền trên biển. Đặc biệt, trên Thuỷ Sơn còn có hai di vật cổ quý hiếm, đó là tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật tại động Hoa Nghiêm, và tấm Kim bài hình quả tim lửa có bút tích của vua Minh Mạng ban tặng cho chùa Tam Thai.

 

Ngọn Kim Sơn nằm ở phía đông nam, bên bờ sông Cổ Cò. Ngay dưới chân núi có một hang động dài hơn 50m, rộng gần 10m, cao khoảng 10 - 15m. Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, bên trong là những lớp thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao bằng người thật rất thanh tú. Dưới chân tượng là một con rồng đang cuộn mình giữa những làn sóng. Đặc biệt, phía sau Bồ Tát còn có một hình tượng nhỏ hơn trông như Thiện Tài đồng tử và bên trái là hình chim Khổng Tước, hai cánh xoè rộng toả khắp trần động. Có thể nói đây là bức phù điêu tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã ban cho Kim Sơn. Sau khi phát hiện ra động, hoà thượng Thích Pháp Nhãn đã cho mở rộng lối vào động và xây dựng chùa Quán Thế Âm. Chùa dựa lưng vào ngọn Kim Sơn, ngoảnh mặt ra khúc sông đầy hoa sen thơm ngát. Hàng năm vào mùa lễ hội đầu xuân (19/2 âm lịch), chùa mở hội lấy tên là Hội Quán Âm.
Mộc Sơn nằm ở phía đông, sát biển, gần hòn Thuỷ Sơn. Tuy thuộc hành Mộc nhưng tại đây lại rất ít cây cối. Đỉnh núi đá bị xẻ thành những răng cưa giống như cái mồng gà trống nên có thể vì vậy mà còn có tên núi Mồng Gà. Trên hòn núi này không có chùa chiền, chỉ có một khối đá cẩm thạch màu trắng trông tựa người đang ngồi. Người địa phương gọi là Cô Mụ hay Bà Quan Âm.
Hoả Sơn gồm 2 ngọn và một đường đá nhô lên nối liền chúng với nhau. Ngọn phía tây gần Kim Sơn là Dương Hoả Sơn, nằm trên bờ sông Cổ Cò. Trên sườn núi phía tây, mặt hướng về phía bắc, đối diện với Kim Sơn có 3 chữ Hán rất to được khắc vào vách đá “Dương Hoả Sơn”. Trong núi Dương Hoả Sơn có các hang động và chùa Phổ Sơn Đà.
Thổ Sơn là ngọn núi đất, thấp nhất nhưng cũng dài nhất, trông như một con rồng nằm dài trên bãi cát. Núi có hai tầng, lô nhô những khối đá trên đỉnh, thân núi có một lớp cỏ mỏng bao phủ để lộ nhiều chỗ màu đất sét đỏ có nhiều gạch cổ thời Chiêm Thành. Trong núi có một cái hang cửa quay về phía tây nam, ăn sâu vào trong núi có tên là hang Cóc hoặc hang Bồ Đề. Tại sườn phía bắc ngọn Thổ Sơn, về phía Đà Nẵng, có chùa Long Hoa tuy đơn sơ nhưng phong cảnh cũng rất hữu tình.
Sau những giờ phút phiêu du trong huyền tích Ngũ Hành, du khách sẽ dừng chân ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm ngay chân núi. Là một trong những làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng đã gần 400 năm tuổi, nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm mỹ nghệ bằng đá đẹp mắt và tinh xảo được tạo nên bởi đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân.

 

Ngũ Hành Sơn nằm giữa vùng cát trắng mịn từ biển Non Nước kéo dài đến bán đảo Tiên Sa với bãi cát mịn trắng chạy dọc ven biển. Vì vậy Ngũ Hành Sơn có lợi thế mà các điểm du lịch khác khó có thể có được là sau những giờ leo trèo, lên xuống hàng trăm bậc cấp để thăm thú các hang động, chùa chiền và làng đá mỹ nghệ, du khách chỉ cần bước ra mấy trăm mét là đến Bãi biển Non Nước cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng êm như mời gọi chào đón. Du khách có thể thư giãn thoải mái vẫy vùng  trong làn nước biển mát lạnh đồng thời ngắm nhìn cảnh núi non, trời biển bao la.

 

Quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp vào điểm đến du lịch hấp dẫn nhất bởi các yếu tố về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và yếu tố tâm linh huyền thoại. Với vẻ đẹp thanh khiết của tâm linh, của huyền thoại đầy chất sử thi cùng với quần thể chùa tháp cổ kính mang dấu ấn văn hóa kiến trúc nhà Nguyễn, Ngũ Hành Sơn không những là biểu tượng văn hoá trong tâm thức của mỗi  người con quê hương Đà Nẵng mà còn là điểm đến hấp dẫn của du lịch Miền Trung - con đường di sản.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------